Bài viết dưới là văn bản đã gửi 2 nơi 1/ Tòa soạn Báo Bà rịa-Vũng tàu www. baobariavungtau.com.vn., 2/ trang web của UBND thị xã Bà Rịa: www.baria.baria-vungtau.gov.vn. (chỉ gửi để phản ánh)
Đây là hố sâu thuộc công trường thi công đường Trục chính phường Kim Dinh, nơi em Nguyễn Vũ Khang, 9 tuổi, HS lớp 4 trường PTCS Trần Đại Nghĩa đã bị chết đuối vào lúc 4 giờ chiều , 24/09/2011.Vào giờ đó, Khang và một số cháu nhỏ khác vào khu vực thi công (trước nhà cháu) chơi như mọi khi, gần đó có một số thợ đục đá đang làm việc.Theo bạn cháu kể lại thì cháu Khang trượt chân ngã vào hố nước .Khi có cháu chơi cùng báo cho mẹ Khang thì Khang đã chìm.sau khi vớt cháu lên bờ, mọi nỗ lực để giành lại cháu từ tay Thần Chết đều thất bại!.
Công trình “Đường trục chính phường Kim Dinh” khởi công sau Tết 2011, hơn nửa năm qua công trường thi công đường này gây ra nhiều phiền toái và nguy hiểm cho người dân sinh sống và qua lại nơi đây.
Vì con đường này được thiết kế theo kiểu nắn thẳng và mở rộng nên phạm vi thi công đường đi sát vào nhà dân. Việc thi công của các nhà thầu bộc lộ nhiều điểm vô trách nhiệm, vi phạm qui định an toàn thi công.Đe dọa sự an toàn và tính mạng của người dân sinh sống ven công trường và người tham gia giao thông trên con đường hiện hữu.
Tình trạng mất an toàn, nguy hiểm của công trình này được ghi nhận như sau:
1. Không áp dụng biện pháp cảnh báo, bảo hiểm đối với các nguồn, điều kiện nguy hiểm : các rãnh, hố sâu hai bên đường do san ủi mặt bằng nền đường hoặc để lắp đặt hệ thống cống thoát nước hoàn toàn không có bất kỳ biện pháp an toàn như biển cảnh báo hoặc rào chắn bảo hiểm.
2.
Công trường xây dụng đường trở thành công trường khai thác đá, gây nguy hiểm cho nhân dân:
do địa hình khu vực chân núi Dinh, tại khu vực thi công đoạn đường dài non 1 km , nơi cháu Khang vừa bị chết đuối có những tảng đá lớn cần phải dọn ,nhưng thay vì chỉ dọn đủ để tạo mặt bằng kỹ thuật cần thiết để thi công nền đường thì đơn vị thi công tranh thủ móc tất cả đá chìm lên và cho thợ đục lấy đá xây dựng tại chỗ. Gần nửa năm qua, nơi này trở nên một công trường khai thác đá thực sự.Các hố sâu hoắm để lại do khai thác đá ngập đầy nước và bùn thực sự là những cái bẫy chết người.Góp phần vào đó là những hố ga của cống thoát nước và những miệng cống lắp đặt dở dang không nắp đậy, rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm.
3. Khi cắt đường hiện hữu để lắp đặt cống thoát, đơn vị thi công không đảm bảo tạo con đường tạm an toàn cho dân,
4. Toàn bộ khu vực công trường dài mấy cây số ngoài tấm biển giới thiệu về công trình, không có biển cảnh báo, rào chắn an toàn,
5. Vật liệu xây dựng để bừa bãi gây cản trở lưu thông và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông,
6. Không có biện pháp ngăn chặn trẻ em vào chơi trong khu vực thi công.
Với cung cách như vậy, việc xảy ra tai nạn chết người tại khu vực thi công là điều có thể thấy trước.
Các đơn vị thi công thể hiện cách rất rõ sự vô trách nhiệm với cộng đồng, bất chấp việc thi công của mình tạo ra những mối nguy cho cộng đồng.
Chủ đầu tư , đơn vị thiết kế, đơn vị giám sát phải có biện pháp gấp rút chấn chỉnh tình trạng mất an toàn nghiêm trọng này.
Đơn vị thi công buộc phải xem lại các qui định an toàn thi công của luật pháp xây dựng hiện hành và chấn chỉnh ngay thái độ vô trách nhiệm của mình. Cần phải hiểu rằng :không ai có quyền tạo ra nguy hiểm cho người khác mà không bị lên án và xử lý theo pháp luật.
Hãy đến và nhìn vào gương mặt của cháu Khang , nhìn gương mặt đau khổ như hóa tượng của Ba cháu, nhìn Mẹ cháu nghẹn ngào với đứa con nhỏ trên tay, và hãy thử tưởng tượng việc này đang xảy ra với chình gia đình mình.Chắc chúng ta biết mình cần phải làm gì.
Gợi ý các biện pháp chấn chỉnh để tạo an toàn mà đơn vị thi công cần phải thực hiện là:
1. Tăng cường sự giám sát thi công, giám sát an toàn tại công trường (theo luật định) thường xuyên trên toàn bộ tuyến,
2. Áp dụng các biện pháp cảnh báo, rào chắn phù hợp (theo tiêu chuẩn An toàn trong Xây dựng của Việt Nam số TCVN 5308-91) đối với các rãnh, hố và mặt bằng có cao độ chênh lệch sát luồng giao thông,có biện pháp tuyên truyền, vận động,ngăn cấm trẻ em vào chơi trong khu vực thi công,
3. Có biện pháp che đậy, cảnh báo nguy hiểm tại các hố ga, miệng cống thi công dở dang (theo tiêu chuẩn An toàn trong Xây dựng của Việt Nam số TCVN 5308-91),
4. Lấp ngay các hố, rãnh tồn đọng lâu ngày, tránh để các hố, rãnh kỹ thuật dở dang, tồn tại lâu ngày,chấm dứt việc khai thác đá trong khu vực thi công đường (nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công), khơi thông các hố, rãnh ngập nước,
5. Tạo lập các con đường tạm (nhưng đảm bảo an toàn) cho các hộ dân sống ven khu vực thi công.
6. Các vị có trách nhiệm của chủ đầu tư công trình và Tư vấn Giám sát hãy đến và thực sự lội vào công trình thì chắc chắn sẽ có quyết tâm để hành động chấn chỉnh sai phạm.
Thiết nghĩ:
· -Gia đình nạn nhân (và cả nhân dân trong khu vực) có quyền khởi kiện đơn vị thi công có liên quan đến tai nạn chết người đối với con của họ (cũng như tình trạng nguy hiểm tạo ra do thi công),
· -Các đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn phải nhận thức được trách nhiệm và lỗi của mình trong vụ tai nạn chết người này và cần phải nghiêm túc khẩn trương chấn chỉnh các sai phạm trong vấn đề an toàn lao động Nhằm phòng ngừa tai nạn có thể tiếp tục xảy ra đối với nhân dân trong vùng và người tham gia giao thông.Cần phải bị xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm tạo điều kiện dẫn đến tai nạn chết người này.
· -Chủ Đầu tư cần phải có áp lực, chế tài để chấn chỉnh triệt để tình trạng thi công gây nguy hiểm này , tình trạng mất an toàn này còn tồn tại thì tai nạn kế tiếp chỉ còn là vấn đề thời gian.Đừng để có thêm những cái chết oan ức nữa.
- -Chính quyền địa phương cần phải thể hiện vai trò quản lý của mình trong vấn đề này.
Mong lắm!. SonLam.
Một số hình ảnh khác
Hố sâu do khai thác đá để lại, nơi em Khang chết đuối. Chỉ được căng một dải dây cảnh báo ngay sau khi vớt em lên. Chứng tỏ người ta hiểu rằng: việc không có biện pháp cảnh báo là sai phạm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét