Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

HÀNH TRÌNH VỀ QUÊ CHA ĐẤT TỔ

Rời quê nhà, về quê Cha đất Tổ

Di tích Cổng Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải vân, nơi vua Lê Thánh Tông trên đường về khải hoàn sau cuộc bình Chiêm Thành, đã cảm hứng thốt lên là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" .Cổng Hải Vân Quan sau đó được xây vào 1826 thời vua Minh Mạng (đã gần 190 năm!) để làm ranh giới hành chánh và phục vụ quân sự.Chứng tích lịch sử vô giá này đang chịu sự hẩm hiu , lạnh lẽo không người quản lý!, bởi Đà Nẵng đẩy ra, Thừa Thiên đẩy vào!.Biết rõ nhất từng ngọn cỏ, viên gạch nơi đây là những chú...Dê.

Lưng đèo Hải Vân. Phía sau lưng là dãy Bạch Mã (rừng quốc gia)

Phía sau, xa xa là cầu dẫn vào hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á-hầm Hải Vân.

Tranh sơn thủy từ đèo Phước Tượng.

"Cầu Trường Tiền sáu vai mười hai dịp (nhịp), thương nhau rồi biết kịp về mô..."
(người Huế và Quảng Trị phát âm chữ "nhịp" nghe như chữ "dịp" rứa đó!)
Năm Thành Thái thứ 9 (1897), cầu Trường Tiền hãng Eiffel của nước Pháp (nổi danh với công trình Tháp Eiffel ở Paris) thiết kế. Cầu được khởi công xây dựng sau đó và đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành. Cầu Trường Tiền già tuổi hơn cầu Long Biên ở Hà Nội (1899-1902) - cây cầu thép nổi tiếng về quy mô, lớn nhất Đông Dương và châu Á thời bây giờ.
Khi hoàn thành, cầu Trường Tiền có cấu trúc 6 vài 12 nhịp, chiều dài cầu 401m, bề ngang lòng cầu 6m20, mặt cầu lúc đó chỉ mới lát bằng ván gỗ lim. Các vòm nhịp cầu có hình bán nguyệt rất điệu đà duyên dáng, hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay. Chi phí xây cầu hết khoảng 400 triệu đồng, là một số tiền rất lớn thời bấy giờ (giờ mới mua được một con 4 chỗ tàm tạm).
Từ khi ra đời, cầu Trường Tiền có nhiều tên gọi: Cầu Thành Thái (tên Vua triều Nguyễn đương thời), cầu Clémenceau (tên của một Thủ tướng Pháp thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất), cầu Nguyễn Hoàng (tên chúa Nguyễn đã có công khai phá, mở mang vùng đất Thuận Hoá giữa thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17.)… nhưng tên gọi cuối cùng cho tới bây giờ là cầu Trường Tiền (Tràng Tiền), do vị trí cầu qua sông Hương gần xưởng đúc tiền xưa kia của triều đình nhà Nguyễn. Trước khi cầu Trường Tiền được xây dựng, nơi đây có một bến đò ngang cũng mang tên Trường Tiền.Trải qua bao biến cố của thiên tai (bão Nhâm Thìn 1904), biến cố chiến tranh vào các năm1946, 1968.Đến 1995 cầu được trùng tu với một số thay đổi so với nguyên bản: lòng cầu hẹp lại, màu ghi xám thay cho nhũ bạc. Tới Huế mà không đặt chân lên cầu Trường Tiền thi coi như chưa tới!Bởi rứa phải tranh thủ chốp 1 phát rồi dọt lẹ kẻo cản trở lưu thông.

Chiều mưa bay trên Quảng Trị cổ thành.
Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000 m, cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929 Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc. Sau "mùa hè đỏ lửa" 1972 toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, chính quyền sở tại cho tôn tạo lại thành để làm di tích. Người ta phục chế vài đoạn tường thành, làm lại bốn cổng chính.  Thành Cổ được người dân trong vùng xem là "Đất Tâm Linh" vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có bom đạn và máu xương các binh sĩ hai bên. Hiện như là một công viên lớn nhất Thị xã Quảng Trị.

Ngã 3 đường Chín Nam Lào.
 Lối tiếp cận biển Đông của người Lào.Những năm 80 của thế kỷ trước, ngày ngày hàng đoàn xe tải của Lào phóng bạt mạng từ Lào qua ngã này ra cảng Đà Nẵng.Thời ấy, cánh giặc lái Lào rất chảnh và chạy xe rất láo.Tiêu tiền như nước làm chị em cứ rưng rưng...

TP Đông Hà-nơi có đường 9 Nam Lào khét tiếng. Xem cái kiểu vô tư dựng xe giữa đường của bác xe ôm thì biết mấy ông kẹ không bắt người nhà

Địa phận Gio Linh-nơi vĩ tuyến 17 lịch sử.

"Từ bắc vô Nam nối liền nắm tay...".
 Đặt bước chân trên cầu Hiền Lương, từng là ranh giới tạm thời từ 1954 đến 1975 giữa hai miền Nam Bắc, chứng nhân lịch sử .Cây cầu hiện nay được phục chế theo nguyên bản.

"đêm ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê...".
 Dòng sông chưa đầy 100 mét mà đi hơn hai thập kỷ mới sang được bờ...

Cột cờ giới tuyến của VNDCCH ở bờ Bắc cầu Hiền Lương.
Nơi đây từng là Kỳ đài của  VN Cộng Hòa (miền Nam). Di tích lịch sử này tại sao lại không còn?

Loa 500W do Liên Sô cung cấp nhằm chọi nhau với loa của Mỹ ở bờ Nam.


Đến quê!.

Không có nhận xét nào: